Tạo nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề cao đi xuất khẩu lao động

Năm 2017 được nhận định là năm sẽ có nhiều khởi sắc trong công tác xuất khẩu lao động, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, một số thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, các nước Trung Đông... sẽ mở rộng và tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động tay nghề cao sang làm việc.

Đây là thông tin mà lãnh đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trao đổi bên lề hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2017.

Quang cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành Lao động - TBXH năm 2017

Theo báo cáo tổng kết ngành Lao động - TBXH, năm 2016, kế hoạch xuất khẩu lao động được giao là 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, song chúng ta đã đưa được 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 46.029 lao động nữ, chiếm 36,45%), vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó có 68.244 lao động đi Đài Loan, 39.938 lao động đi Nhật Bản, 2.079 lao động đi Malaysia, 4.033 lao động đi Ả rập Xê út, 8.482 lao động đi Hàn Quốc và các thị trường khác.
Đặc biệt, năm 2016, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, mở rộng cánh cửa xuất khẩu lao động sang thị trường chất lượng cao. Đây là một trong những thành công của công tác xuất khẩu lao động trong năm qua. Trước đó, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU). Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Phạm Viết Hương trao đổi về công tác XKLĐ

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương, cho biết: Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động đạt 1.000 - 1.500USD. Hiện nay, ta có hơn 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Người lao động Việt Nam được các doanh nghiệp sử dụng Hàn Quốc ưa thích tuyển dụng vì sự cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tính cách với người Hàn Quốc. Trong năm 2016, Việt Nam đã đưa được 8.482 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; tổ chức 2 kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo, 1.300 lao động ngành ngư nghiệp và giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn trong nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, hiện có hơn 16.000 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vấn đề này đang ảnh hưởng rất lớn tới việc ổn định và phát triển thị trường trong thời gian tới. Bộ Lao động - TBXH đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương triển khai mạnh các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài cũng được đặt lên hàng đầu. Trước hết, các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út, UAE) có các Ban Quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có Ban Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ thường xuyên chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp, đặc biệt với các thị trường, lĩnh vực, ngành nghề có tính phức tạp, doanh nghiệp phải cử cán bộ sang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản

Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động Phạm Viết Hương cho biết thêm: Năm 2017, kế hoạch đặt ra là đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đối tượng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, Cục cũng nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025” trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức theo các chương trình đã ký kết.

Theo laodongxahoi.net/

Tin liên quan